Tấm hình phóng viên nhiếp ảnh Hugh Van Es (1941-2009) chụp hàng mấy chục người chen lấn nhau trên sân thượng khu chung cư Pittman, số 22 đường Gia Long, để cố leo lên chiếc trực thăng Air America Huey cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào trưa ngày 29-4-1975, đã làm cho thế giới xúc động. Khi đó, nhiếp ảnh gia Hugh Van Es làm việc cho hãng thông tấn UPI; mặc dù lúc gửi ảnh ra, ông đã ghi chú rõ, nhưng hãng UPI đưa sai chú thích, khiến nhiều năm sau người ta vẫn lầm tưởng rằng chiếc trực thăng đậu trên nóc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở đường Thống Nhất. Khu chung cư Pittman là một khu nhà dành cho các nhân viên CIA của Hoa Kỳ.
Chiếc trực thăng cất cánh, theo chú thích của nhiếp ảnh gia Van Es, “đem theo 12 hay 14 người. (Trọng tải tối đa đề nghị cho kiểu [trực thăng] đó là 8.) Những người còn lại trên nóc nhà chờ đợi hàng giờ, mong mỏi có thêm trực thăng đến. Nhưng vô ích. Kẻ thù đang tiến đến gần. Tôi nhớ lúc đó ngước nhìn bầu trời và dâng lời cầu nguyện ngắn ngủi...”.
Trong tấm ảnh nổi tiếng này, có bác sĩ quân y Huỳnh Minh Tòng, khi đó mới 34 tuổi, là người thứ nhì đếm từ trên xuống, nay là bác sĩ y khoa, đang hành nghề tại Georgia. Nhân dịp tưởng niệm 35 năm Tháng Tư Đen, dù bận bịu với công việc, Bác sĩ Huỳnh Minh Tòng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào lúc 2 giờ chiều 28-4-2010 sau đây.
Viễn Đông: Xin chào bác sĩ. Hôm nay đúng 35 năm ngày Bác sĩ có mặt trên nóc tòa nhà và cố leo lên trực thăng hầu ra khỏi quê hương. Xin Bác sĩ vui lòng cho độc giả nhật báo Viễn Đông tại Nam California biết qua về những giây phút bi thảm nhưng đáng nhớ này. BS. Huỳnh Minh Tòng: Cám ơn anh, anh cứ hỏi.
Viễn Đông: Xin cho biết trước khi rời Việt Nam, gia đình bác sĩ ở đâu? BS. Tòng: Lúc đó tôi là Đại úy Quân Y phục vụ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa Sài Gòn.
Viễn Đông: Gia đình bác sĩ có mặt trong chuyến đi đó không? BS. Tòng: Không, vợ, mẹ và em gái tôi đã di tản từ hôm trước.
Viễn Đông: Xin bác sĩ cho biết, làm sao bác sĩ lọt vào được trong bãi đáp trực thăng? BS. Tòng: Hên thôi, vì có người em rể cho biết chỗ đó có bãi đáp trực thăng, nên tôi lại đó chờ cùng khoảng 100 người. Và chẳng thấy chiếc trực thăng nào cả. Bãi đáp làm bằng gỗ. Tôi ngồi dựa lưng vào đó. Tới chừng nghe có tiếng trực thăng đáp, tôi đẩy Bác sĩ Nguyễn Tấn Thiệt lên (người thứ nhất trong hình), sau đó người Mỹ kéo tôi lên, rồi đến cô Tuyết Đông.
Viễn Đông: Bác sĩ có nhớ lúc bác sĩ đang leo lên máy bay là mấy giờ, ngày nào không? BS. Tòng: Tôi nhớ lúc đó vào khoảng 5, 6 giờ chiều ngày 29-4-1975.
Viễn Đông: Có phải đây là chuyến máy bay cuối cùng trong đợt di tản không? BS. Tòng: Tôi không rõ.
Viễn Đông: Khi lên được trực thăng, cảm nghĩ của Bác sĩ thế nào? BS. Tòng: Nửa mừng nửa lo. Mừng vì mình may mắn, lo vì không biết sẽ đi đâu!
Viễn Đông: Có bao nhiêu người đi chung chuyến bay với bác sĩ? Và họ chở đi đâu? BS. Tòng: Có khoảng 20 người. Máy bay cất cánh không nổi. Sau họ ráng lên và đáp xuống, bớt người xuống rồi bay ra Đệ Thất Hạm Đội.
Viễn Đông: Xuống Đệ Thất Hạm Đội, bác sĩ thấy đã có khoảng bao nhiêu người Việt đến trước mình? BS. Tòng: Rất đông, tôi không ước lượng được, vì lúc đó đâu có ai bình tâm làm cái chuyện đó.
Viễn Đông: Từ Đệ Thất Hạm Đội họ chở Bác sĩ đi đâu? BS. Tòng: Họ đưa chúng tôi qua một chiếc tàu khác chở ra Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway.
Viễn Đông: Từ USS Midway, Bác sĩ đi đâu? BS. Tòng: Họ cho xuống một tàu buôn lớn nhưng người tỵ nạn quá đông. Chỉ có chỗ nằm cho đàn bà trẻ con, độc thân phải đứng trên boong tàu.
Viễn Đông: Bác sĩ đến Mỹ ngày nào? BS. Tòng: Tôi đến Mỹ khoảng tháng 11-1975.
Viễn Đông: Đến Mỹ, Bác sĩ có phải học lại lấy bằng hành nghề không? BS. Tòng: Có chứ. Tôi học và thi đậu lại tại Virginia, sau đó còn phải học thi lấy bằng hành nghề nữa.
Viễn Đông: Sau 35 năm, nhìn lại hình mình trong cảnh di tản hỗn loạn và hãi hùng như vậy, tâm trạng Bác sĩ ra sao? BS. Tòng: Rất buồn cho đất nước của mình và cho thân phận những người ở lại.
Viễn Đông: Hiện giờ cuộc sống đã ổn định, thời gian cũng đã trôi qua, Bác sĩ còn điều gì trăn trở hay ước muốn cho quê hương? BS. Tòng: Tôi đã từng làm Chủ tịch ở cộng đồng này, từng đi diễn thuyết cho người Mỹ nghe về chiến tranh Việt Nam. Tôi cám ơn những người đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng để tôi được sống như hôm nay. Tôi mong người Việt luôn luôn giữ vững tinh thần quốc gia, không thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản được. Tôi ước mong quê hương sớm có tự do dân chủ thật sự.
Viễn Đông: Xin thay mặt độc giả Nam California, cám ơn Bác sĩ đã dành cho nhật báo Viễn Đông cuộc phỏng vấn này.
|