ThuyenNhan171 –
Đó là một buổi chiều vàng đầu năm 1984 tại Hòn Chồng , Nha Trang . Những tia nắng cuối ngày khuất sau dãy núi xa mờ . Chiều xuống , như đã hẹn ước , phủ tấm màn đen lên Bãi Dương và mặt biển . Sóng nhẹ và nước còn ấm . Trước đó , lợi dụng trời nhá nhem , Tôi và cô Em Gái , Bội Trân , bước lên bãi cát , lúc ấy đã thưa thớt người , và giữ nguyên bộ đồ tắm ướt sũng , di chuyển đến Hòn Chồng , cách đó khá xa , khoan thai , tay trong tay , đóng vai một cặp tình nhân nhàn tản , để che mắt Công An .
Tại khu vực này , Chúng chưa đặt trạm gác , và chưa có tàu tuần tiễu , nên Tôi đỡ lo . Đến Hòn Chồng , khi thấy bóng đèn pin nhấp nháy từ phía chân trời , tôi bấm đèn lại . Rồi từ một tảng đá cao 2 Anh Em nhảy xuống nước – một việc đơn giản mà Chúng Tôi đã phải tập đi tập lại cả trăm lần suốt 3 tháng liền . Trời tối hẳn . Nín thở , lặn một hồi lâu , Chúng Tôi cùng trồi lên một lượt , bơi song song về hướng ánh đèn , lúc ẩn lúc hiện . Bơi thong thả , để dưỡng sức . Hễ mệt thì thay nhau bơi ngửa và thay nhau quan sát hiện trường , không để lạc hướng . Khoảng cách chừng 200 mét thôi , bình thường không có gì khó đối với Chúng Tôi – là những đứa con của biển , biết bơi từ nhỏ . Nhưng tối hôm ấy , Tôi thấy quá xa , dường như không bao giờ đến đích .
Hai Anh Em Tôi là những người cuối cùng trong gia đình vượt biên . Mẹ Tôi nhờ Cha Sở họ Đạo giúp kiếm mánh . Chủ ghe , dân Nốp đánh cá chuyên nghiệp vùng Xóm Bóng , gốc Hà Tĩnh , tên Nho , lót chữ Cu , như tục lệ địa phương , đòi Anh Em Tôi đến trình diện tại phòng khách cha sở . Cu Nho liếc nhìn hai đứa , xem có phải Công An giả dạng thường dân không , rồi gật đầu đồng ý , nhưng ra lệnh : Phải đi tắm biển hàng ngày cho da bớt trắng ! Ông cẩn thận cũng phải , vì chuyến này ông đưa cả gia đình cùng đi luôn , chỉ nhận hai Anh Em Tôi và một số khách tin cậy . Theo sắp xếp , Chúng Tôi biết bơi sẽ đi ngả Hòn Chồng và là khách sau chót lên ghe ra biển cả , nghĩa là nếu có gì trục trặc là bị bỏ lại , không tiếc thương . Đàn bà , con nít thuộc gia đình Ông được chở trên sông Cái qua đồn canh cạnh cầu Tháp Bà , nằm ém dưới đáy ghe như cá hộp . Số còn lại phải xuống Chụt , gần Cầu Đá , có taxi đưa ra trước .
Trước ngày xuất hành , Tôi ra đèo Rù Rì , cách nhà độ 6 cây số , tìm mộ Cường , theo lời chỉ dẫn của Trứ . Tôi đốt nhang mới cắm vào bình thay cho những cọng nhang đã tàn lụn . Thầm thỉ cầu nguyện cho linh hồn em sớm siêu thoát về cõi Vĩnh Hằng . Và xin em để cho tôi đi chuyến này thành công , và đừng theo tôi làm gì . Trước đó nữa , hai Ânh Em cũng đã dự một thánh lễ rất sốt sắng cầu xin Chúa thương tình cho đi bình an , vì , Tôi thở than với Chúa , Con đã gian nan nhiều rồi , trên đường mưu tìm Tự Do .
Chờ cho Chúng Tôi lên ghe , kiếm chỗ ngồi yên ổn xong , Cu Nho sang số cho máy chạy , trực chỉ Manila . Biển êm , sóng nhẹ , gió nhiều , thổi lùa qua tóc . Tôi bắt đầu thấy lạnh , vì áo thun chưa kịp khô , mà không có quần áo thay . Bội Trân cũng thế , vẫn mặc đồ tắm , nhưng được ai cho mượn chiếc khăn lớn choàng vào người . Em ngồi chung với đám vợ con , em gái của Cu Nho , lấy tay khoát nước trôi quanh mạn thuyền , vẻ tư lự . Ghe ra khơi , gần đến hải phận quốc tế , và khi những hòn núi quen thuộc quanh bờ biến mất hút , và Sao Hôm chưa mọc , Cu Nho hết biết phương hướng , bèn nhờ tôi đọc giùm bản đồ và hải bàn , mặc dầu đó không phải nghề của chàng … Bộ Binh Thủ Đức . Không còn ai khác , Tôi đành lần mò đọc , tính toán , cầm thước , đo đo vẽ vẽ . Từ Nha Trang đến Manila là một đường thẳng ngang , cứ canh và giữ đúng 90 độ , tôi nói với các Tài Công . Lúc ấy là mùa gió Nồm thổi từ Mã Lai về phía Hồng Kông , và thường có bão . Ba hôm sau , y như rằng , bão bắt đầu nổi lên và dần dần những luồng sóng cao hơn toà nhà mười , hai mươi tầng ùa đến , rình chụp xuống chiếc ghe nhỏ bé , mong manh giữa đại dương . Cu Nho và 2 người em trai thay nhau cầm lái , dùng hết tay nghề lách ghe chạy giữa hai đợt sóng , mỗi lúc mỗi dày , đều đặn , liên tục . Thần kinh quá căng thẳng . Chậm , hoặc sớm hơn một giây là ghe bị sóng đánh chìm . Tôi đứng bên họ , dán mắt vào chiếc hải bàn và bản đồ . Bội Trân pha cà phê cho tôi và các Tài Công , và phụ hoặc thay tôi điều chỉnh toạ độ và hướng đi . Rồi cuối cùng bão tan , sau một ngày một đêm .
Cả ghe chưa kịp hoàn hồn thì Cu Nho báo cho biết dầu và nước uống chỉ còn đủ cho một ngày nữa thôi , vì trước giờ khởi hành , Cu Toàn , người bạn đồng nghiệp nhận cung cấp dầu , đã không đến điểm hẹn trên biển , không hiểu vì sao , có lẽ đã bị lộ , bị bắt . Manila thì còn mù mịt , phải ít nhất hơn một tuần nữa mới đến nơi . Ông gần như tuyệt vọng , bàn giao số phận chiếc ghe cho tôi . Tôi không có thì giờ phản đối , hay tranh luận , về vụ bán cái ngang xương này , vì lúc ấy dầu chỉ còn một phần tư phuy , và nước uống đủ cho nửa ngày . Phải giải quyết nhanh , và táo bạo , như kinh nghiệm máu xương trong chiến tranh đã dạy tôi . Tôi đề nghị chuẩn bị buồm để khi cần nương theo gió nồm đến Hồng Kông , hướng Bắc , hoặc cùng lắm về Đà Nẵng , đều là zero độ trên hải bàn . Sau một ngày , dầu còn độ hai can , tôi quyết định tắt máy , để dành , cho trường hợp khẩn cấp . Nước uống cạn sạch , ai cũng khát đến lả người , kể cả Tài Công , đầu óc quay cuồng , miệng môi khô đắng . Trẻ em sau khi đòi nước không có , nằm im lìm như chết . Ghe bắt đầu trôi bằng buồm , dật dờ trên sóng , và Tài Công không thể điều khiển hướng đi , phó mặc cho may rủi . Một đêm , trong giấc ngủ chập chờn , tôi thấy bà Cô Ruột , Em Gái Út của Ba , đã bị tử nạn khi còn rất trẻ trong một chuyến vượt biên hãi hùng 2 năm trước đó , hiện về , bảo tôi đừng lo , hãy cầu nguyện Đức Mẹ cứu giúp , che chở cho . Một điều lạ , Bội Trân cũng thấy y như vậy , và kể cho tôi nghe .
Một ngày nữa . Nhiều chiếc tàu buôn lớn đi ngang , có chiếc rất gần , Chúng Tôi giơ tay , phất tấm vải trắng , cầu cứu , nhưng họ chạy luôn . Cả nhà Cu Nho bắt đầu khóc lóc , đọc kinh , lần tràng hạt .
Đêm sau , trời bỗng đổ mưa , không báo trước . Như một phép lạ . Mưa giữa biển khơi , lần đầu tôi mới thấy , chỉ tập trung ở một nơi nhất định , nhưng trắng xoá cả chân trời xa , ào ào như thác lũ , có vẻ gấp rút , hối hả , rồi tự nhiên ngưng bặt . Mọi người mừng quá , vội vã lấy đồ hứng , chứa đầy các can nhựa . Ngoài ra , được tắm thoả thích và hả họng uống nước mưa , uống mãi , no nê . Nhưng nỗi lo về dầu vẫn trĩu nặng . Thuyền vẫn bềnh bồng , vô định .
Hai ngày nữa trôi qua . Đêm đến , anh Tài Công la lớn , kia kìa , có nhiều ánh đèn từ hướng đi của mình , tức hướng Bắc , dường như là một thành phố . Tôi nhìn qua ống dòm , nhưng tối quá không phân biệt được gì ngoài các đóm sáng lung linh trên nước . Nhưng vẫn bảo họ hướng mũi ghe về phía ấy . Chạy hết một đêm , đến sáng , trời quang mây tạnh thì thấy đó là một chiếc tàu lớn đang bỏ neo , nhưng khoảng cách vẫn còn xa . Tôi bảo mở máy lại , cho ghe chạy tới . Một giờ sau , đến sát thân tàu , cao như một building , tôi đứng lên , hai tay bắt loa , nói lớn với các thuỷ thủ đang nhìn Chúng Tôi với vẻ tò mò , bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp , và được biết đó là một tàu dầu Hy Lạp . Biển lặng , nên tiếng tôi vang âm trong sương sớm , nghe rõ mồn một . Thuyền Phó xuất hiện , hỏi cần gì . Tôi đáp , xin dầu và nước uống , hoặc vớt về Hy Lạp , cũng được . Bà Cu Nho chắp tay vái Ông Ta lia lịa , bồng đứa con trai mới 2 tuổi , giơ lên cao cho Ông thấy mà thương tình . Ông Ta chỉ tay về phía sau , lắc đầu nói : Không vớt về Hy Lạp được , vì Manila ở phía sau , Chúng Tôi mới ở đó ra , chỉ còn một ngày là đến . Như vậy ghe Chúng Tôi đã chạy sai toạ độ 90 , hoặc tôi chấm sai , một cách may mắn , hoặc nhờ cơn bão làm lệch hướng , vì nếu còn dầu và chạy đúng , đã lạc về phía Nam , vùng có đá ngầm san hô đâm lủng ghe , rất nguy hiểm , hoặc vào đảo Hoàng Sa thời gian ấy có lính Việt Cộng trấn giữ , càng nguy hiểm hơn . Sau đó , dầu , thức ăn và nước ướp lạnh được thòng dây xuống . Có vài thuỷ thủ quăng cho mấy tờ năm đô la , và một chiếc hải bàn . Tôi hỏi Thuyền Phó : Tại sao các Ông dừng lại đây suốt đêm vậy ? Ông Ta nhún vai : Chúng Tôi cũng không biết nữa . Lệnh trung ương từ Hy Lạp . Bây giờ Chúng Tôi bắt đầu nhổ neo , đi tiếp . Chúc Quý Vị may mắn !Tôi la lớn , cám ơn , và sóng biển dội lại , mang lời tôi đi khắp , cám ơn . Cám ơn những tấm lòng nhân hậu vĩ đại . Bội Trân nói vào tai tôi , Chúa và Đức Mẹ cứu đó Anh , bắt Họ đợi mình . Một phép lạ nữa , tôi thầm nghĩ , sau trận mưa mấy đêm trước .
Ghe Chúng Tôi tiếp tục chạy . Bấy giờ , mọi người hân hoan , chuyện trò rôm rả , ăn uống thoải mái . Cu Nho như người chết đi sống lại , luôn miệng cám ơn anh Hai đã cứu gia đình Em , khác với thái độ lạnh nhạt , e dè trước đây khi ngồi phỏng vấn hai Anh Em Chúng Tôi . Tôi chỉ cười , vì mệt quá , không nói gì được . Vào lúc nửa đêm , ghe đến gần Subic Bay , căn cứ quân sự của Mỹ . Sợ bị bắn ẩu , tôi đề nghị thả neo , dừng lại ngủ tại chỗ , chờ cho hết đêm , sẽ liệu . Đến sáng , Subic Bay nhộn nhịp tàu bè , máy bay , lính tráng , tôi bảo Tài Công cứ chạy thẳng vào căn cứ . Chúng Tôi được quân nhân Mỹ tiếp đón tử tế , phát quần áo mới , cho ăn ở trong một chiếc tàu nhỏ , bỏ không , đầy đủ tiện nghi , được dùng làm khách sạn nổi cho những nhóm vượt biên may mắn tắp vào . Vừa lảo đảo bước lên đất liền , hai Anh Em Tôi làm dấu thánh giá , cám ơn Chúa , rồi cùng quỳ xuống , cúi hôn bờ cát , nước mắt giàn giụa mà lòng mừng vui chất ngất . Những câu thơ của Paul Eluard , thuộc từ thời xa xưa , bỗng trở về , văng vẳng :
Và bởi quyền lực của một chữ Tôi bắt đầu lại cuộc đời Tôi được sinh ra để biết Em Để gọi tên Em Tự Do .
Một tuần sau , hai chiếc xe bus chở nhóm Chúng Tôi đến Trung Tâm Chuyển Tiếp Manila . Tại đây , Chúng Tôi gặp lại nhiều bạn bè , đồng hương Nha Trang . Ăn , ngủ , lấy lại sức , đọc sách , nghe nhạc , rồi đi rong chơi khắp trại , mà vẫn không sao giết hết thời gian . Đến bưu điện đánh điện tín về cho mẹ tôi mừng , vỏn vẹn một câu mật hiệu : Anh Hai đã cưới chị Phi , sẽ về Mỹ Tho . Và gọi điện thoại báo tin cho người thân ở các nước . Rồi tha hồ dạo phố , thăm thủ đô của chị Phi . Đi trên đường Manila , ngắm nhìn thiên hạ vô tư , hạnh phúc mà hồn buồn xót xa , chơi vơi nỗi nhớ Sài Gòn , Sài Gòn huyền thoại của một thời đã yêu và một thời đã chết . Nhất là Bội Trân . Thỉnh thoảng , trong đôi mắt bình thường tinh nghịch của Em , tôi bắt gặp một trời u uất , tủi sầu mênh mông . Em ngậm ngùi kể , một năm trước ngày mất nước , một lần Em đã ăn trưa tại Manila này , gần phi trường , giữa hai chuyến bay , cùng với toán Tiếp Viên Hàng Không Vietnam và anh T , Trung Tá Phi Công biệt phái , bạn tù Vĩnh Phú của Anh .
Ba tuần sau nữa , những đợt thuyền nhân , chừng hai trăm người thuộc các nhóm khác nhau , lần lượt được chuyển về Trại Tỵ Nạn , trên đảo Palawan . Bằng máy bay Philippine Airlines do chính phủ thuê bao .
2 – Người nữ tiếp viên phụ trách dãy ghế của tôi có một sắc đẹp cổ điển , mê hồn , tươi trẻ , dáng thanh thanh . Tóc bới cao , đôi mắt nhung huyền . Tôi đọc bảng tên Nàng trên áo veste đồng phục màu bordeaux . Marita . Maria Tiểu Nương . Tên có âm hưởng Tây Ban Nha . Quả vậy , sau này gặp lại Nàng và thân nhau hơn , tôi được cho biết Mẹ Nàng là người Phi gốc Tây Ban Nha . Nàng tỏ vẻ ân cần , lịch sự với Bội Trân , ngồi phía lối đi , và chỉ ném cho tôi , ở ghế cạnh Em , bên cửa sổ , một cái liếc duy nhất hờ hững , nếu không nói là lạnh lùng . Tôi không lấy thế làm buồn , vì nghĩ đến thân phận hiện tại của mình . Sau những năm chiến tranh , và lưu đày cải tạo , và giông bão cuộc đời vùi dập , và bao nhiêu tủi nhục ê chề , còn sống là may lắm rồi , nói chi tuổi trẻ , sức khoẻ , dung nhan , chí tang bồng hồ thỉ , vẻ ngạo mạn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng , tất cả đã tàn lụn theo với thời gian và thuộc về dĩ vãng cổ tích . Once upon a time there was a young soldier … Ngày xưa có một người lính trẻ ... Tôi lim dim mắt , cố xua kỷ niệm từ đâu kéo về , chật hồn . Giữa tiếng rù rì đều đều của động cơ , tai vẫn nghe hai cô gái sắc nước hương trời , kẻ đứng người ngồi , chuyện trò , hỏi han về nhau , về gia đình , một cách tương đắc . Khi Bội Trân nói : Em cũng là Tiếp Viên Hàng Không , của nước VNCH , nhưng bây giờ Em chỉ là một Thuyền Nhân Tỵ Nạn không còn quê hương nữa , Marita cúi xuống ôm Em , cả hai rơm rớm nước mắt . Hèn chi , Nàng thủ thỉ , khi Chị bước vào phi cơ , Em thấy Chị đẹp quá , mặc dầu ăn mặc đơn sơ , không son phấn , nhưng trên gương mặt kiêu sa toát ra một nỗi buồn kỳ lạ , khác với những người tỵ nạn Việt Nam mà Em đã gặp trên các chuyến bay . Chị phải có một tâm sự gì xót xa , cay đắng lắm , Em mong một ngày nào Chị sẽ kể Em nghe , Chị nhé ! Bấy giờ Marita mới quay nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng hơn , dừng lại lâu hơn . Lần đầu gặp Nàng , chỉ có thế thôi .
Hơn một giờ sau , khi máy bay đáp xuống phi trường Puerto Princesa , Marita tháo chiếc khăn quàng tiếp viên bằng lụa màu hồng pha tím nhạt trao cho Bội Trân , ôm Em từ biệt , và nói : Tặng Chị làm kỷ niệm . Em có một người Chị Họ nữ tu tên Sister Emma , làm việc thiện nguyện tại trại Palawan . Khi có dịp , Em sẽ đến trại thăm Emma , thăm Chị và anh Hai . Nàng nói anh Hai bằng tiếng Việt . Rồi bắt tay tôi : Chúc Anh may mắn trong cuộc sống mới .
3 – Bốn chiếc xe bus chở đầy các tân tỵ nạn viên dừng lại ở cổng trại , giữa trưa . Bà Dì Họ của Chúng Tôi , còn rất trẻ , Dì Mười , vượt biên trước 2 năm , chờ đi Na Uy , ra đón tôi , và Bội Trân mà Dì chỉ thấy một lần khi Em mới chập chững biết đi . Dì nói , cuộc sống tại Palawan – lúc ấy chứa gần hai ngàn người – khá phức tạp , xô bồ . Sau này , dần dần , tôi biết thêm , rõ hơn . Trại gồm mọi thành phần xã hội , trí thức , thất học , già trẻ , lớn bé , lương thiện , lưu manh , đủ cả , chưa kể các ông kẹ của Mặt Trận Kháng Chiến , áo đen khăn rằn , vẻ nghênh ngang , mặt đằng đằng sát khí , nhìn gốc cây nào cũng thấy Việt Cộng . Đặc biệt , có cả ông đương kim ( hay cựu , tôi không nhớ nữa ) Thủ Tướng tên Nguyễn Hữu Chánh của chính phủ lưu vong Bolsa , lúc ấy là một trong những anh chàng cầu bơ cầu bất của trại , tổ sư nói phét , nhưng nói hay , kiến trong lỗ cũng bò ra nghe , sống nhờ vào tiền của các goá phụ ngây thơ . Và những người bạn trẻ tuyệt vời tôi may mắn được chia sẻ tâm sự và buồn vui tại trại , nay đều trở thành Linh Mục , trong số có Hoàng , Cửu ( Mount Angel ) , Luận ( San Francisco ) , Huỳnh ( Texas ) , và Sĩ ( Pháp ) .
Trại là một thành phố lều , bidonville , đúng nghĩa , được xây sát đường bay phi trường Puerto Princesa , chia làm 9 khu , đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một viên Trung Uý Phi mặt sắt đen sì , gồm những túp nhà cất liền với nhau , mái tranh , vách nứa , đã quá quen mắt ở miền quê Việt Nam , lộn xộn , sơ sài , đủ kiểu . Có chùa , nhà thờ , bệnh xá , kho lương thực . Tại trung tâm trại , có một sân rộng , một câu lạc bộ bán nước và thức ăn , một văn phòng làm việc của Ban Đại Diện Trại – do đồng bào bầu lên , gồm đầy đủ các ban ngành . Chồng Dì Mười là một Trưởng Khu , nên đã kiếm được cho Anh Em Tôi một căn lều nhỏ của một gia đình mới đi định cư , riêng biệt , không chung vách với ai , trông rất tiểu tư sản , có hai sạp gỗ làm 2 giường ngủ , bếp và một phòngtắm dã chiến , sát bờ biển , gió thổi vào lồng lộng . Sau này ở rồi mới biết , thỉnh thoảng ban đêm khi thuỷ triều lên , nước tràn vào thình lình , ngập lên đến mép giường , cuốn trôi đồ đạc . Nhưng lúc ấy Chúng Tôi chịu ngay , dọn vào liền .
Mỗi sáng Thứ Hai , trại có lệ chào Quốc Kỳ . Lần đầu , nhìn lại lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ , nghe lại bài Quốc Ca thân yêu một thuở , tôi cảm động đến rơi lệ . Rồi phải qua thủ tục nhập trại , khai báo lý lịch , khám sức khoẻ , gặp các phái đoàn phỏng vấn định cư ở nước thứ ba . Bội Trân tình nguyện thông dịch cho toán y tế Pháp thuộc Nhóm Médecins Sans Frontières . Tôi dạy lớp Pháp Văn cấp tốc cho những người được tàu Pháp vớt đã chọn , hoặc bắt buộc , đi Pháp . Mỗi sáng sớm , khi cả trại còn ngủ , hai Anh Em Tôi và một số trại viên theo đường tắt lên phi đạo để chạy bộ và tập thể dục . Rồi Bội Trân ra đứng sắp hàng lãnh lương thực đem về nấu . Tôi ra vòi nước công cộng hứng mấy thùng để tắm , giặt . Với tiền tiếp tế của các Em từ Mỹ , Pháp , Đức gửi đến , cuộc sống cứ thế dần trôi êm đềm như dòng sông nhỏ . Chúng Tôi kiên nhẫn chờ ngày lên đường đi Mỹ .
Không cần điều tra lâu , đám đàn ông , thanh niên độc thân thật và độc thân tại chỗ , trong số có ông Thủ Tướng tương lai của Chúng Ta , biết tôi và Bội Trân là hai Anh Em Ruột , không phải bồ bịch , vợ chồng , như họ đã lầm tưởng , bèn phấn khởi ra mặt , thay đổi thái độ đối với tôi , săn đón , mời đi uống bia , cà phê , điều mà tôi luôn luôn kiếm cớ từ chối , một anh Haihai anh Hairối rít , và lượn lờ quanh biệt thựcủa Chúng Tôi thường trực , như ong bướm . Vài chàng trồng cây si hàng giờ trên bệnh xá , chờ Em xuất hiện , hoặc giả vờ đau , nhờ Em thông dịch . Nhưng Bội Trân dửng dưng , không để ý đến ai , mặc dầu vẫn đối xử lịch sự , tươi cười với tất cả . Đôi khi thức giấc giữa khuya , tôi thấy Em ngồi thút thít ở giường bên . Tình yêu và kỷ niệm của Kha , người hôn phu Phi Công hào hoa đã chết tại trại tù cải tạo , còn hằn sâu trong Em . Cả hồn Em đã chôn theo cùng với tình yêu một đời . Tôi bước đến bên giường , choàng vai Em , dỗ dành , như lúc nhỏ có lần Em cứng đầu bị Ba Mẹ mắng , tủi thân , khóc nức nở . Thôi , ngủ đi Em . Và tôi còn mượn cả lời thơ Aragon để an ủi . Il n’y a pas d’amour qui ne vive de pleurs / Il n’y a pas d’amour heureux . Không có tình yêu nào mà không sống bằng lệ khóc / Không có tình yêu hạnh phúc . Nhưng ích gì , hãy nghĩ đến tương lai . Thời gian là thần dược chữa lành những cơn đau . Hãy vươn lên mà sống . Lời của chính Em đó , đã nhắn cho Anh khi Em cùng Mẹ ra thăm Anh ở trại khổ sai Vĩnh Phú năm nào , Em không nhớ sao ? Em tựa đầu vào ngực tôi , khóc to hơn . Vâng , Em sẽ cố quên . Cố quên . Nhưng Anh đừng bao giờ bỏ Em một mình , Em sợ lắm . Tôi biết câu đó , không phải Em nói cho Tôi .
4 – Hai tuần lễ sau khi nhập trại , Bội Trân nhận được thư của Marita do Sister Emma chuyển . Em đưa cho tôi đọc ké , nhưng tôi chỉ lướt qua để Em vui , vì tôi vốn lười viết và đọc thư và nhất là thư của đàn bà con gái , thường là tràng giang đại hải . Trong lá thư dài của Nàng , chỉ có một câu về tôi : Chị may mắn có một ông anh tuyệt vời . A wonderful big brother . Tôi nghĩ , đó chỉ là một lối nói xã giao . Rồi sau một tháng , một ngày cuối tuần , Marita đến trại thăm Bội Trân như lời đã hứa trong thư . Cùng với Bội Trân , Nàng vào văn phòng viên Trung Uý Trại Trưởng , nói tiếng Phi với hắn ta , xin phép ở lại hoặc ra phố chơi với Anh Em Tôi , và ngủ qua đêm tại trại với Emma .
Nàng vẫn đẹp kiều diễm , như lần trước . Và vô cùng dịu dàng , đáng yêu . Bội Trân vui hẳn , hai cô Nàng nói cười , quấn quýt bên nhau không rời như đôi chim sẻ nhỏ . Tôi mừng cho em gái được gặp người bạn mới quá tốt . Riêng tôi , lần này , như bị Marita bỏ bùa mê , ra vào ngẩn ngơ , đứng ngồi không yên , nhưng bỗng thấy yêu đời , và hạnh phúc , một thứ hạnh phúc không tên , lâng lâng , ấm áp như một lữ khách dừng chân nơi quán trọ , được nhấp một cốc rượu nồng trong chiều giá rét . Soi gương , chải đầu , điều chỉnh hình hài , quần áo . Và mơ mộng vẩn vơ như thuở mới lớn , mới biết tương tư lần đầu . Thật kỳ lạ và lẩm cẩm cho một anh lính bại trận , cựu tù nhân cải tạo , đương kim tỵ nạn viên , nghèo mà ham , quên cả tóc mình bắt đầu ngả màu sương và đời sắp sửa rêu phong . Lại còn mơ cùng Nàng xây nhà bên suối , có lũ chim uyên kéo đến ríu rít ca như trong một bài hát xưa . Mơ những thiên đường xanh với tình yêu tuổi nhỏ của Baudelaire có khúcsérénade ái ân , có tiếng vĩ cầm nức nở đêm trăng dưới cửa sổ người đẹp . Mơ cùng Nàng xuống thuyền , xa lìa nhân thế , vui theo trăng nước , như Phạm Lãi và Tây Thi thuở nào . Mơ cùng chết trên dòng sông Tương , Tầm Dương hay Danube . Hay , thực tế hơn , mơ được ôm hết dung nhan ngà ngọc trong vòng tay , một lần thôi . Nực cười quá , trong lúc này mà còn huyễn mộng , tôi lẩm bẩm . Nhưng có tình yêu thật nào mà không huyễn mộng ? Còn Nàng , tôi đoán , cũng chỉ coi tôi như một ông Anh nghiêm trang , đứng đắn , không hơn không kém .
Buổi thăm viếng của Marita bắt đầu bằng một vòng quanh trại , do Emma hướng dẫn . Bội Trân đưa Nàng vào bệnh xá , giới thiệu với toán y tế Pháp . Tôi dẫn Nàng lên văn phòng đại diện trại , chào xã giao các chức sắc , đa số là các cựu quân nhân đã từng quen biết .
Đến trưa , Bội Trân mời 2 Chị Em Marita vào câu lạc bộ thưởng thức các món Việt Nam . Rồi ra biển tắm . Emma xin kiếu về phòng . Lúc ấy , thuỷ triều xuống , từ lều của Chúng Tôi , phải lội bộ khoảng 10 phút mới gặp nước sâu . Vì là Tiếp Viên Hàng Không , và sinh tại Leyte , quê hương của cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos , một thành phố biển như Nha Trang , Nàng bơi rất giỏi , ngang ngửa với Chúng Tôi . Cả ba vui đùa thoả thích , ngồi trên phao , tạt nước vào nhau , cười giòn tan . Lên bờ , còn chạy rượt nhau trên cát , rồi nắm tay nhau , ngồi xuống thở dốc . Một lúc sau , Bội Trân vụt đứng dậy , đuổi theo những con còng đang chạy loanh quanh , và không trở lại . Marita cũng không theo Em . Vân vê nắm cát trong tay , Nàng nhìn sâu vào mắt Tôi , và đột ngột hỏi : – Anh Hai , à không , Julien , Anh có yêu ai bao giờ chưa ?
Ngạc nhiên , Tôi chậm rãi đáp : – Trước đây , có chứ , và nhiều là đàng khác . Hễ ai yêu anh , anh yêu lại liền . Nhanh như chớp . Chiến tranh mà ! Nhưng rồi tất cả đã mất hết như cát đang trôi qua kẽ tay em . Bây giờ , không còn gì nữa .
Nàng cười , lắc đầu : – Nhưng nhanh như chớp đâu phải là tình yêu , Em muốn nói tình yêu thật ! Tình yêu thật không bao giờ mất dù từ bên kia cõi đời , Marie-Amélie bảo Em như thế . Cho Em hỏi thêm , nếu như Anh yêu một người mà người đó không yêu lại thì sao ?
Tôi hơi chột dạ , chưa đoán được ý của Nàng , vì trường hợp nếu nhưấy đã mấy lần suýt xảy ra cho tôi . Nhưng tôi cũng cười theo , lấy bàn tay đặt ngang cổ : – Thì tự tử . Nhưng anh sợ đi đường một chiều lắm , vì phải nhắm mắt đi luôn . Là nhà binh , thấy tấn công không xong anh rút lui liền , chậm trễ sẽ là từ chết tới bị thương . Còn em thì sao ? – Em hả ? Cũng giống Marie-Amélie , Em không chối Em có nhiều người theo đuổi , nhưng lúc nào cũng thấy cô đơn một cách kỳ lạ . Một cách tuyệt vọng . Em không có nỗi bất hạnh của Marie-Amélie , nhưng tình yêu đối với Em lúc nào cũng là mây bay , bởi vì nhiều khi trên không trung nhìn qua cửa sổ phi cơ em thấy từng đám mây lại gần , lãng đãng , đẹp rực rỡ dưới nắng muôn màu , nhưng không làm sao Em với bắt được , và mây lại trôi đi mất . Cũng như hạnh phúc , từ xa tưởng thật , rõ ràng trước mắt , ngờ đâu khi đến gần giơ tay chụp lấy , nó chỉ là ảo ảnh , mirage , trong sa mạc , trốn biến , rồi lại hiện ra , như trêu ngươi . Cho nên em nghi rằng hạnh phúc và tình yêu chỉ là sản phẩm tưởng tượng của mấy ông thi sĩ , nhạc sĩ và triết gia thôi , hoặc đó không phải là tình yêu và hạnh phúc thật .
Tôi chăm chú nhìn Nàng . Một người đẹp như Nàng mà không có tình yêu và hạnh phúc thì rất khó tin . Nhưng có thể Nàng nói thật . Rồi tôi nghĩ đến Bội Trân . Tôi nghĩ đến Lệ Ngà , vết thương lòng nhức buốt . Tôi nghĩ đến Thuý Kiều và Nguyễn Du và câu thơ bất hủ : Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen . Những mỹ nhân cổ kim ít khi được hạnh phúc trong tình yêu . Luật bù trừ tự nghìn xưa . Tôi lại nghĩ đến bài thơ ám ảnh của Aragon . Không có tình yêu hạnh phúc .
Đêm về , Nàng mời ra phố Puerto Princesa ăn tối và nghe nhạc . Đi bằng xe tricycle , còn gọi là trike . Nàng giành đãi . Bữa ăn thịnh soạn , kiểu Tây , có muỗng nĩa , beefteck và rượu vang . Sau 10 năm , phải vượt bao nhiêu dặm trùng dương nguy khốn , phải trốn chạy thiên đường của loài khỉ đỉnh cao trí tuệtừ rừng rú chui ra , hôm nay Anh Em Tôi mới có dịp gặp lại khung cảnh sang trọng , ánh sáng văn minh , và loài người đúng nghĩa , qua một trại tỵ nạn tăm tối trên đất nước Philippines . Bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm hiện về , êm đềm mà chua xót . Tháng Giêng 1975 , Đà Lạt , quán L’Eau Vive , những ly rượu Bordeaux , món bouillabaisse đặc sản miền Provence , bản sonate của Beethoven não lòng , phím dương cầm xôn xao , bộ đồ bay nhuốm màu sương gió của Kha , mắt nhìn trìu mến của Bội Trân . Mái tóc buông lơi đầy hương của Lệ Ngà . Và tình yêu hối hả , như sợ thời gian cướp mất . Và hạnh phúc phù du , trước trận cuồng phong sắp ùa tới trên quê hương . Ôi bao nhiêu nước mắt để đổi lấy vài phút sum vầy ngắn ngủi , còn đâu ?
– Anh đang nghĩ gì thế ? Marita ân cần hỏi tôi .
Tôi lúng túng , lắc đầu : – Ồ không , Anh đang nghĩ đến hạnh phúc tối nay có Em , có Marie-Amélie , có kỷ niệm của những ngày xưa cũ . Một hạnh phúc đơn sơ . Anh không dám mơ ước gì hơn .
Bội Trân mở to mắt nhìn tôi , mỉm cười , hạ giọng , nói khẽ bằng tiếng Việt : – Ủa , sao bữa nay Anh lãng mạn đột xuất như thế ? Chắc là bị tiếng sét của Nàng ? Nhưng Em mừng , vì nếu không lãng mạn người ta sẽ chết sớm .
Thấy Marita ngơ ngác nhìn theo , tôi dịch lại cho Nàng . Cả ba cùng cười .
Ăn xong , Marita đề nghị đến phòng trà nghe nhạc . Tôi nhanh tay trả tiền trước . Phòng trà có quầy rượu , ban nhạc sống và một sàn nhảy bỏ túi . Tôi gọi rượu chát trắng cho hai Nàng , theo yêu cầu , và cognac cho tôi . Không khí ồn ào , vui nhộn . Tôi nhảy một bản tango với Bội Trân và slow với Marita , là hai điệu ruột của tôi . Khi các ca sĩ nghỉ giải lao , trưởng ban nhạc mời khách lên sân khấu hát . Marita hát Cry Me A River , không thua Julie London , giọng buồn thê thiết , làm ngất ngây lòng người . Còn Bội Trân hát bản Torna A Surriento của De Curtis bằng tiếng Ý , rồi tiếng Việt , lời Phạm Duy . Tôi không ngờ cô em gái ca quá hay , có lẽ muốn nhờ bài hát trút hết nỗi lòng . Bao giờ mới được trở về mái nhà xưa ? Tiếng vỗ tay vang dội , dành cho hai nữ ca sĩ nghiệp dư tài sắc vẹn toàn , làm tôi hãnh diện lây .
Khi từ biệt Marita tại cửa phòng Emma , Tôi hỏi Nàng , đêm nay Em có ước muốn gì không ?
Nàng đáp , lời nhẹ như sương và đôi mắt dịu êm như sóng khuya vỗ về ngoài khơi : – I want to be held . Em muốn được ôm .
Tôi bỗng sững sờ , bất động . Câu nói ấy , trong khoảnh khắc không ngờ , đưa tôi trở lại Bồng Sơn một mùa chinh chiến cũ và hình ảnh lâu rồi , nhưng không bao giờ phai nhạt , của một bé gái , tuổi khoảng 8-9 tuổi , đạp phải lựu đạn do du kích Việt Cộng gài , dành cho Chúng Tôi , nằm gục trong vũng máu . Toán Dân Sự Vụ của Tôi , đang công tác gần đó , chạy đến tiếp cứu . Tôi đỡ Bé dậy , nhưng người Bé đã mềm nhũn , mặt xanh lướt như tàu lá . Trong cơn mê Bé thều thào : Con ở đợ nhà người ta , mồ côi , không có Cha Mẹ , không có ai hết , con muốn được ôm . Tôi bật khóc , ôm Bé vào lòng mà nước mắt đầm đìa hoà với máu từ tấm thân bé bỏng chảy xuống không ngớt , ướt cả ngực áo trận . Bé từ từ nhắm mắt , có vẻ mỉm cười , mãn nguyện , và một phút sau , chết trong tay tôi .
Marita vẫn nhìn Tôi , đôi mắt ướt long lanh trong bóng mờ , lặng im , chờ đợi , nhưng Tôi vẫn đứng yên . Một phần vì tâm hồn bất ngờ xúc động bởi kỷ niệm thảm thương cũ , một phần vì nhút nhát , một phần vì mặc cảm sợ bị từ chối . Một phần vì ngu si . Dù đã trải qua nhiều cuộc tình lớn , nhỏ trước đây . Rồi giây phút kỳ diệu nhiệm mầu tan biến . Nàng hôn Bội Trân , bắt tay Tôi , ánh mắt bình thản trở lại như lần gặp gỡ đầu tiên trên phi cơ . Good night anh Hai !
5 – Thế thôi . Tôi không bao giờ nghe Bội Trân nhắc đến Nàng nữa , mà tôi cũng không hỏi , mặc dầu hai người vẫn thư từ cho nhau . Một hôm , Em nói không muốn đi Mỹ nữa , mà về ở với Thể Trân , Chị kế của Em , định cư tại Nanterre , ngoại ô Paris , từ 1978 . Em giải thích , xa Anh , Em sẽ đau khổ vô cùng , như khi Em mất Kha , nhưng có Em , Anh phải lo cho Em , làm sao có thể làm lại cuộc đời của riêng Anh ? Em đã nghĩ kỹ rồi ! Tôi và Thể Trân thấy cũng hợp lý , nên đồng ý , trái với lời Mẹ dặn tôi trước khi ra đi , Con phải gìn giữ , chăm sóc Em , thay Mẹ . Thể Trân từ Paris đến trại Palawan thăm Chúng Tôi và nhân tiện đón em qua Pháp . Xa nhau hơn 10 năm , gặp lại , được phép đặc biệt sống chung với nhau một tuần lễ trong túp lều lý tưởng , thật không còn nỗi mừng vui nào hơn . Hai Chị Em vẻ ngoài không khác nhau mấy , nhưng Thể Trân may mắn hơn , có một mái gia đình êm ấm và mộng bình thường . Ngày chia ly , ba anh em trở lại quán ăn Tây ngoài phố , ngồi lại chiếc bàn cũ . Xong bữa ăn , Bội Trân choàng vai ôm Tôi , và dịu dàng nói , như với một người bạn : – Marita yêu Anh , nhưng có lẽ Anh không biết , hay giả vờ không biết . Nàng yêu Anh , không phải vì Em , như có thể Anh đã hiểu lầm , nhưng Nàng nói vì cái vẻ bất cần đời của Anh và tâm hồn quãng đại , độ lượng , ngay thẳng rất đàn ông mà Nàng đoán có đầy trong Anh . Thì cũng giống như tụi Em thương yêu Anh vậy , ngoài tình ruột thịt . Em biết Anh cũng yêu Nàng , nhưng Anh im lặng có lẽ bởi lòng tự ái , tự trọng , như nhiều lần trước kia , không muốn mang tiếng là vì nhờ đứa Em Gái . Nếu tối đó Anh làm theo lời Nàng ao ước , thì chắc chuyện đời đã khác hẳn đi . Trong tình yêu , cơ hội không đến lần thứ hai , vì người con gái biểu lộ tình yêu , trao cái nhìn đặc biệt cho ai đó chỉ trong một phút một giây , nhưng là thiên thu , và chỉ một lần cho một người trong đời mà thôi . Tụi Em là phụ nữ , biết rõ như thế , có phải không chị Thể ?
Thể Trân nhìn Em , nhìn Tôi , không hiểu chuyện gì , nhưng cũng khẽ gật đầu . Còn tôi cho những điều Em nói là một lời trách móc kín đáo , nhẹ nhàng , nhưng không sai . Tôi chỉ biết cười trừ : – Anh biết . Anh biết . Nhưng thôi , âu cũng là duyên số . Em đừng buồn Anh . Có hai Em thương Anh , là đủ rồi .
Cho đến ngày Bội Trân lìa bỏ thế gian , xuống tóc vào tu trong dòng kính Carmel ở Lisieux , Marita vẫn liên lạc đều đặn với Em . Bốn năm sau đó , Sister Emma tìm được địa chỉ tại Mỹ của Tôi , qua Linh Mục cựu Tuyên Uý trại Palawan , Jacques Kenneth , thuộc dòng Biển Đức tại Mount Angel , Oregon . Emma viết thư , báo tin Marita đã qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc trên xa lộ Manila , và nhờ Tôi cho Sister Marie-Amélie biết với . Emma viết thêm câu tái bút : Trong cơn hấp hối , Marita còn thì thầm , vĩnh biệt Marie-Amélie , vĩnh biệt anh Hai Julien . Tôi xem thư mà hai hàng lệ đẫm , tự trách mình sao quá đỗi u mê , đã không ôm Nàng trong phút chia tay đêm ấy , như đã ôm em bé mồ côi Bồng Sơn ngày xưa , để cho Nàng bớt lẻ loi , cho Nàng thấy rằng tình yêu và hạnh phúc có thật , ngay trong cuộc đời này .
Tôi nhớ lời Nàng bảo Tôi ngày đó trên cát biển Palawan . Tình yêu lúc nào cũng là mây bay . Marita , Tôi thầm gọi , Marita . Marita , nỗi hối hận khôn nguôi , tình yêu đớn đau của Tôi Marita , mây bay của Tô . Mây ba , ngàn năm …
Kim Thanh ( GS Nguyễn Kim Quý ) Portland 2010
|